HMTU
Đang tải dữ liệu...
Đăng nhập |   Sơ đồ site |   English |   Hỏi đáp |   Email |   Liên hệ 
Trang chủGiới thiệuTin tứcĐào tạoKhảo thí & BĐCLGDNghiên cứu khoa học - Hợp tác quốc tếTuyển sinhSinh viênBệnh ViệnThư việnKhai báo Y tế
Tin tức & Sự kiện

Kỹ thuật viên Xét nghiệm Y học - Nguồn nhân lực không thể thiếu trong các cơ sở khám chữa bệnh

Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, hiện nay công tác khám chữa bệnh không chỉ đơn thuần dựa vào các triệu chứng lâm sàng mà các xét nghiệm cận lâm sàng đã phổ biến rộng rãi, ứng dụng nhiều thành tựu mới, hiện đại, cho kết quả sớm, chính xác đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện, chẩn đoán, điều trị và tiên lượng bệnh. Công tác xét nghiệm phát triển theo hướng vi lượng và bán vi lượng, tự động và bán tự động tổng hợp nhiều thông số, đặc biệt các kỹ thuật chẩn đoán ở lĩnh vực sinh học phân tử đã và đang phát triển góp phần tích cực trong công tác sàng lọc, chẩn đoán sớm và tiên lượng bệnh, như nhiễm HIV/AIDS, bệnh lao, các bệnh nhiễm khuẩn và nhiễm virus khác. Công tác xét nghiệm hiện nay không chỉ giúp các bác sỹ lâm sàng chẩn đoán chính xác để điều trị bệnh kịp thời mà còn có thể dự báo sớm những nguy cơ mắc bệnh, nhu cầu làm xét nghiệm không chỉ dành riêng cho bệnh nhân mà còn dành cả cho những người khỏe mạnh nhằm phát hiện bệnh sớm. Trên thực tế, có những kết quả xét nghiệm đã được xem như “tiêu chuẩn vàng” giúp cho các bác sỹ lâm sàng đưa ra những quyết định đúng đắn, mang lại hiệu qủa trong điều trị và phục hồi chức năng cho người bệnh. Do vậy, trong hoạt động của các cơ sở khám chữa bệnh, thì xét nghiệm là một lĩnh vực không thể thiếu và để có thể sử dụng, ứng dụng hiệu quả các trang thiết bị trong lĩnh vực xét nghiệm ngày càng hiện đại, đòi hỏi phải có một đội ngũ cán bộ kỹ thuật – đó là kỹ thuật viên (KTV) xét nghiệm.
KTV xét nghiệm họ là ai? Đó là những người được đào tạo ở các trình độ khác nhau: đại học, cao đẳng hay trung cấp về xét nghiệm; Họ làm việc tại các khoa xét nghiệm của bệnh viện từ tuyến trung ương tới các cơ sở khám chữa bệnh hoặc trong các cơ sở đào tạo y tế. Công việc của KTV xét nghiệm được thể hiện với nhiều nhiệm vụ đặc thù của chuyên ngành, như tổ chức, đón tiếp, hướng dẫn, giúp đỡ và chuẩn bị bệnh nhân trước khi tiến hành lấy bệnh phẩm (ví dụ: máu, nước tiểu, đờm,...) để làm xét nghiệm; pha hóa chất, thuốc thử và chuẩn bị các phương tiện, dụng cụ, để thực hiện được các kỹ thuật xét nghiệm; thực hiện các kỹ thuật xác định vi sinh vật, ký sinh trùng gây bệnh, phân tích các chất trong máu, dịch sinh vật, thực hiện công tác an toàn truyền máu và kiểm tra hiệu quả điều trị của thuốc…; có khả năng sử dụng thành thạo những trang thiết bị tự động hoá để thực hiện các xét nghiệm, phân tích và nhận định kết quả xét nghiệm trợ giúp cho các bác sỹ lâm sàng; Hơn nữa họ còn có khả năng thiết lập, điều chỉnh và kiểm tra các quy trình kỹ thuật để đảm bảo chất lượng các xét nghiệm. Một số KTV xét nghiệm trình độ cao còn là người hướng dẫn cho các KTV xét nghiệm ở trình độ thấp và tham gia nghiên cứu khoa học, phát triển nghề nghiệp trong lĩnh vực chuyên ngành.

Sự ra đời của bộ môn Xét nghiệm, Trường Trung cấp Kỹ thuật Y tế 1 năm 1978 (nay là Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương) đáp ứng nhu cầu cấp bách về nguồn nhân lực kỹ thuật viên xét nghiệm. Là một trong những cơ sở sớm nhất ở Việt Nam đào tạo kỹ thuật viên xét nghiệm, ban đầu là trình độ trung cấp (1979), rồi Cao đẳng (2002) và Đại học (2008), trong những năm qua, Bộ môn Xét nghiệm Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương đã không ngừng phát triển, từ chỗ bộ môn chỉ có một vài bác sỹ chuyên ngành xét nghiệm hoặc bác sỹ đa khoa, đến nay, bộ môn đã có một đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sỹ thạc sỹ chuyên ngành và cử nhân xét nghiệm y học. Hệ thống phòng thực hành tay nghề cho học sinh sinh viên (HSSV) từng bước được trang bị đồng bộ, chuẩn hóa, hiện đại hóa như: hệ thống xét nghiệm hóa sinh tự động (400 tests/ giờ), bán tự động; máy xét nghiệm nước tiểu tự động 11 thông số, máy xét nghiệm miễn dịch hóa phát quang, máy đếm tế bào huyết học 26 thông số với 5 thành phần bạch cầu; hệ thống xét nghiệm sinh học phân tử PCR, Real time PCR-; kính hiển vi huỳnh quang, kính hiển vi nền đen kết nối vi tính … nhằm giúp cho HSSV có thể tiếp cận được với các trang thiết bị hiện đại ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Bên cạnh đó, để có thể từng bước theo kịp trình độ của các nước tiên tiến và những đòi hỏi ngày càng cao về lĩnh vực xét nghiệm, chương trình đào tạo của chuyên ngành được thiết kế dựa trên cơ sở tiếp thu những ưu điểm của chương trình đào tạo xét nghiệm y học của một số nước tiên tiến như Hà Lan, Australia... Bộ môn cũng là một trong những đơn vị sớm biên soạn giáo trình phục vụ cho quá trình dạy - học chuyên ngành. Với gần 35 năm kinh nghiệm trong đào tạo KTV xét nghiệm trung cấp, cao đẳng, đại học, bộ môn luôn coi trọng chất lượng của sản phẩm đào tạo, đặc biệt là thực hành tay nghề, do vậy tỷ lệ HSSV tốt nghiệp chuyên ngành Kỹ thuật Xét nghiệm Y học có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp cao (trên 80%) và luôn được các cơ sở y tế từ trung ương đến địa phương đánh giá cao về chất lượng tay nghề.

Để đảm bảo chất lượng đào tạo, theo kịp sự phát triển và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội, Bộ môn Xét nghiệm Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương nâng cấp thành Khoa Xét nghiệm, tiếp tục cử các giảng viên đi học thạc sỹ, tiến sỹ chuyên ngành trong và ngoài nước; hoàn thiện nội dung, chương trình đào tạo theo tín chỉ và hệ thống giáo trình chuyên ngành ở bậc đại học; tiếp tục duy trì, phát triển các bậc đào tạo, triển khai đào tạo các lớp theo định hướng chuyên khoa như hóa sinh, huyết học, vi sinh, sinh học phân tử..., tiến tới đào tạo trình độ Thạc sỹ từ năm 2015; phát triển các kỹ thuật xét nghiệm thuộc thế mạnh của mỗi chuyên ngành phục vụ cho giảng dạy, nghiên cứu khoa học và cung ứng dịch vụ y tế, tăng cường đầu tư các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, tiến tới xây dựng Trung tâm kiểm chuẩn về xét nghiệm nhằm đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên xét nghiệm có đủ năng lực thực hiện kỹ thuật ở các mức độ khác nhau tùy từng trình độ về các lĩnh vực xét nghiệm: Huyết học - Truyền máu, Hoá sinh, Vi sinh, Ký sinh trùng, Giải phẫu bệnh và Độc chất học đảm bảo chính xác, theo chuẩn phòng thí nghiệm phục vụ yêu cầu chẩn đoán, điều trị và nghiên cứu khoa học, có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, tác phong thận trọng, chính xác, làm việc độc lập và theo nhóm và khả năng tự học suốt đời.

Hướng dẫn thực hành vi sinh

Hướng dẫn thực hành PCR

Số lượt đọc:  31094  -  Cập nhật lần cuối:  24/03/2011 09:23:42 AM