HMTU
Đang tải dữ liệu...
Đăng nhập |   Sơ đồ site |   English |   Hỏi đáp |   Email |   Liên hệ 
Trang chủGiới thiệuTin tứcĐào tạoKhảo thí & BĐCLGDNghiên cứu khoa học - Hợp tác quốc tếTuyển sinhSinh viênBệnh ViệnThư việnKhai báo Y tế
Trang chủ  >  Tin tức
Bài phát biểu của TTND.PGS.TS Vũ Đình Chính - Hiệu trưởng nhà trường chào mừng ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02/2014)

Kính thưa các quý vị đại biểu!
Thưa các thày thuốc, các cán bộ viên chức và các em học sinh sinh viên thân mến,
Hàng năm, cứ mỗi dịp xuân về là chúng ta lại nhớ đến ngày truyền thống của ngành y tế 27/2, ngày mà toàn xã hội tôn vinh nghề cao quý "Thầy thuốc Việt Nam". Và hôm nay, trong không khí chào mừng ngày Thầy thuốc Việt Nam, chúng ta còn vui mừng chào đón Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc tặng Cờ thi đua đơn vị xuất sắc cho Trường và Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú cho TS. BS. Phạm Xuân Thành, thay mặt Đảng uỷ, Ban giám hiệu, tôi xin nhiệt liệt chào mừng và kính chúc các đồng chí lãnh đạo, các quý vị đại biểu, các thày thuốc, cán bộ viên chức và học sinh sinh viên sức khỏe, nhiều niềm vui, nhiều thành tích mới.
Kính thưa các quý vị đại biểu,
Thưa các thày thuốc, các cán bộ viên chức cùng các em HSSV,
Trong xã hội, không có một nghề nào đặc biệt như nghề y, mà mỗi một lỗi lầm hay một thiếu sót dù nhỏ nhất vẫn có thể gây nên những tác hại lớn nhất đến sức khoẻ và tính mạng của con người. Từ lâu đời, người ta đã coi nghề y là một nghề quan trọng, một nghề nhân đạo có quan hệ đến đời sống và tính mạng con người, đến hạnh phúc của từng gia đình, tương lai giống nòi, đến sức khoẻ và sự cường thịnh của một dân tộc và của toàn xã hội.
Từ xa xưa, Hypôcrat - nhà y học danh tiếng người Hy Lạp đã nêu lên một lời thề nổi tiếng mà bác sĩ nhiều nước trên thế giới khi nhận bằng tốt nghiệp đều phải tuyên thệ: "Tôi xin thề sẽ trung thành với quy tắc danh dự và sẽ liêm khiết trong khi hành nghề thầy thuốc. Tôi sẽ săn sóc miễn phí cho người nghèo. Không bao giờ đòi hỏi một sự thù lao quá đáng so với công sức đã bỏ ra… Tôi sẽ không lợi dụng địa vị của mình để làm đồi bại phong tục… Nếu tôi giữ trọn lời thề, người đời sẽ quý mến. Nếu tôi thất hứa, tôi sẽ mang mối ô danh và cam chịu sự khinh bỉ".
Danh Y Hải Thượng Lãn Ông đã nói:"Nghề thày thuốc là người bảo vệ tính mạng con người, sống - chết trong tay mình nắm, phúc - hoạ trong tay mình giữ thế thì đâu có thể kiến thức không đầy đủ, đức hạnh không trọn vẹn, tâm hồn không rộng lớn, hành vi không thận trọng mà dám liều lĩnh học đòi cái nghề cao quý đó chăng?" “Đạo làm thuốc là một nhân thuật chuyên bảo vệ sinh mạng con người, phải lo cái lo của người, vui cái vui của người, chỉ lấy việc cứu sống mạng người làm nhiệm vụ của mình, không nên cầu lợi kể công”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một vị lãnh tụ suốt đời chăm lo đến đời sống của toàn thể nhân dân, Người rất quan tâm đến ngành Y tế và luôn dành cho người thầy thuốc những tình cảm đẹp đẽ nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy rõ tầm quan trọng đặc biệt của sức khỏe và vị trí quan trọng của ngành Y tế trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ngay từ năm 1946, Người đã viết: "Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công". Tháng 3-1948, trong thư gửi Hội nghị Quân y, Bác Hồ viết: "Người ta có câu "Lương y kiêm từ mẫu", nghĩa là một người thầy thuốc đồng thời phải là một người mẹ hiền", "Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu”.
"Sức khỏe của cán bộ và nhân dân được đảm bảo thì tinh thần càng hăng hái. Tinh thần và sức khỏe đầy đủ thì kháng chiến càng nhiều thắng lợi, kiến quốc càng mau thành công".
Và vừa rồi chúng ta đã nghe toàn văn thư gửi cho cán bộ ngành y tế 27-2-1955, trải qua 59 năm, chúng ta luôn ghi nhớ và thấm sâu lời Bác dạy: "người bệnh phó thác tính mệnh nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khoẻ của đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang"
Điều đó lại được khẳng định tại Nghị quyết 46/NQ-TW của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới, có đoạn viết: "Nghề y là một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt." Mỗi cán bộ, nhân viên y tế phải không ngừng nâng cao đạo đức nghề nghiệp và năng lực chuyên môn để thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Người thày thuốc giỏi đồng thời phải là người mẹ hiền", một câu nói ngắn gọn của Bác, nhưng hàm chứa biết bao ý nghĩa cao cả; đồng thời, đó cũng chính là niềm vinh dự và trách nhiệm nặng nề của những người thầy thuốc - màu áo trắng thanh tao biểu tượng của sự trong sạch và lòng nhân đạo cao cả.
Kính thưa các quý vị đại biểu, thưa các đồng chí,
Nhớ lời Bác dặn: "Lương y phải như từ mẫu", phải "Xây dựng nền y học nước ta: khoa học, dân tộc, đại chúng", trong hơn nửa thập kỷ qua, ngành Y tế đã khắc phục mọi khó khăn, không ngừng phấn đấu, thu được những thành tựu to lớn, làm biến đổi một cách sâu sắc từ nhận thức tư tưởng cho đến tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động; từ chuyên môn, khoa học kỹ thuật cho đến nâng cao y đức... Tạo niềm tin to lớn cho nhân dân, với Đảng và chế độ - một chế độ coi trọng sức khỏe con người; xây dựng mối quan hệ thấm đẫm tính nhân văn cao cả giữa thầy thuốc và người bệnh.
Thực hiện lời dạy của Bác, trong chiến tranh đánh đuổi kẻ thù xâm lược, thống nhất đất nước đã có biết bao thầy thuốc Việt Nam không ngại hy sinh, gian khổ, thực hiện trách nhiệm của mình sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Từ ngày đất nước hòa bình, thống nhất, các thế hệ thầy thuốc chúng ta cũng đã xứng đáng nối tiếp truyền thống tự hào của các thế hệ đi trước, không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn; phấn đấu, rèn luyện tu dưỡng đạo đức đúng như niềm vinh dự tự hào mà xã hội đã tôn vinh “Thầy thuốc như mẹ hiền”. Đó là thắng lợi của những thầy thuốc Việt Nam trên mặt trận phòng chống, khống chế dịch bệnh thành công, nhiều kỹ thuật tiên tiến đã được áp dụng rộng rãi, các lĩnh vực Dược, Y học cổ truyền, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực y tế đã có những tiến bộ quan trọng, là nhân tố quyết định đến sự thành công và phát triển của ngành y tế.
Trong ngày vui hôm nay, chúng ta tưởng nhớ và mãi mãi biết ơn những bậc tiền bối là những nhà y thuật hoặc chuyên gia đầu ngành trong những ngày đầu thành lập nền Y khoa Việt Nam. Hình ảnh các thầy chính là "lương y như từ mẫu". Bởi các thầy là những người nổi tiếng, uyên bác về y khoa, y lý và y thuật như Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Thiền sư Đại danh Y Tuệ Tĩnh, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, giáo sư Hồ Đắc Di, giáo sư Tôn Thất Tùng, giáo sư Đặng Văn Ngữ, v.v... Hoặc có rất nhiều người trong số họ chỉ là những thầy thuốc bình dị, sống và làm việc giữa đời thường, lặng lẽ làm công việc cứu người, họ coi việc cứu mạng sống của con người còn cao hơn cả của chính mình.
Bên cạnh những tấm gương sáng, chúng ta không thể không trăn trở, không đau lòng trước một số bộ phận thầy thuốc có thái độ thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước nỗi đau, sự khốn khó của người bệnh, những người làm cho đồng tiền xen vào giữa mối quan hệ thầy thuốc và bệnh nhân. Hiện tượng "phong bì lót tay", coi trọng quá mức đồng tiền là một tồn tại nhức nhối, làm biến dạng hình ảnh tốt đẹp của người thầy thuốc chân chính. Đâu đó vẫn còn những thầy thuốc vòi vĩnh, những nhiễu bệnh nhân hoặc chuyển hoá cách "ăn tiền" của bệnh nhân một cách tinh vi, tế nhị hơn là lợi dụng nghề nghiệp như việc kê đơn thuốc cho bệnh nhân với nhiều loại thuốc ngoại đắt tiền để hưởng hoa hồng hoặc nhận quà của các cơ sở kinh doanh dược phẩm; đặc biệt, trong năm qua, ngành Y tế có nhiều vụ việc đau lòng như vụ ném xác phi tang của thẩm mỹ viện Cát tường, nhân bản xét nghiệm, tai biến tiêm vaccin..., báo động sự xuống cấp đạo đức xã hội nói chung và ngành y tế nói riêng. Đây là những nguy cơ không thể xem thường, mặc dầu là những "con sâu bỏ rầu nồi canh", nhưng đã và đang làm vẩn đục sự thanh cao của nghề y, trong đó những người thầy thuốc ở các cơ sở đào tạo cũng phải nhận trách nhiệm về mình. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải bình tĩnh, không quá bức xúc, rồi ngồi đó không hành động gì, chỉ phán xét, thổi phồng hay suy diễn những hiện tượng trên mà phải chấp nhận một thực tế một môi trường làm việc trong cơ chế thị trường không thể nói là hoàn toàn “vô khuẩn” được. Vấn đề là ở chỗ làm sao cho các thầy thuốc, cho các sinh viên có bản lĩnh hơn, có sức đề kháng hơn trước những cạm bẫy tiêu cực, trước vấn nạn “phong bì” đang hàng ngày, hàng giờ tác động đến các thầy thuốc, các điều dưỡng và kỹ thuật viên y tế.
Kính thưa các đồng chí,
Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, trải qua hơn 54 năm xây dựng và phát triển Nhà trường và tròn 11 năm phòng khám bệnh ra đời, thày và trò cùng tập thể cán bộ viên chức Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương đã đoàn kết, khắc phục khó khăn, đạt được nhiều thành tích rất quan trọng trong đào tạo, khám chữa bệnh, nghiên cứu khoa học và ngày càng khẳng định vị thế và tiềm năng thế mạnh bền vững của Trường.
Đạt được những thành tích trên, ngoài sự nỗ lực phấn đấu của tập thể thày thuốc, thầy giáo và HSSV nhà trường còn có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Y tế, của các bộ, ban ngành trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hải Dương, Thành ủy, UBND thành phố Hải Dương, sự tạo điều kiện thuận lợi cho HSSV thực tập của các cơ sở y tế Trung ương và địa phương, bệnh viện TW quân đội 108, bệnh viện 198 Bộ Công an, đặc biệt là Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương, Bệnh viện 7 - Quân khu 3, các bệnh viện chuyên khoa, các bệnh viện huyện, trạm y tế xã thuộc tỉnh Hải Dương và sự quan tâm, giúp đỡ để Trường tiếp tục phát triển, thày và trò nhà trường xin trân trọng biết ơn.
Kính thưa các thầy thuốc, các CBVC cùng các em HSSV thân mến,
Tự hào với thành tích đã đạt được trong hơn 54 năm, đặc biệt là sự phát triển vượt bậc của Trường hơn 10 năm qua, thày và trò nhà trường xin trân trọng và gìn giữ, tiếp tục phấn đấu, quyết tâm giữ vững và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực y tế đáp ứng nhu cầu xã hội, để Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương thực sự là nơi hoà nhịp của những trái tim tâm huyết muốn cống hiến và biết hy sinh, tôi xin đề nghị năm 2014 và những năm tiếp theo, ngoài việc tổ chức thực hiện thắng lợi sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi và những nhiệm vụ trọng tâm năm 2014, cần tập trung vào những vấn đề sau:
Một là: Thực hiện chương trình hành động về việc đổi mới căn bản và toàn diện đào tạo nguồn nhân lực y tế, trước hết tập trung đột phá vào việc:
- Khắc phục, sửa chữa những yếu kém, khuyết điểm, tồn tại
- Đổi mới công tác quản lý, tập trung vào lãnh đạo quản lý để thay đổi, phát huy vai trò trách nhiệm của người đứng đầu; Tập trung phát triển đội ngũ giảng viên, có nhiều Phó giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ giỏi về chuyên môn, tâm huyết với nghề và phù hợp với chuyên ngành đào tạo; thực hiện các giải pháp đảm bảo chất lượng các chuyên ngành đào tạo;
- Đổi mới phương pháp lượng giá với tinh thần học thật, thi thật, đánh giá đảm bảo trung thực, khách quan, chính xác, công bằng, theo năng lực và chuẩn đầu ra.

Hai là: Đưa Bệnh viện vào hoạt động với phương châm “Tâm đức sáng - Kỹ thuật cao”. Trên cơ sở dựa vào thế mạnh của Trường, triển khai việc lấy máu và trả kết quả xét nghiệm tại nhà; Vật lý trị liệu/ Phục hồi chức năng tại nhà ở khu vực Hải Dương; làm tốt công tác khám sàng lọc và tư vấn bệnh tật ở cộng đồng; đẩy mạnh xét nghiệm An toàn thực phẩm…
Để đạt được những mục tiêu chất lượng hiệu quả, công bằng và phát triển trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và cung ứng dịch vụ y tế, tôi đề nghị các thầy thuốc, các CBVC và HSSV Nhà trường luôn ghi nhớ, vận dụng và thực hiện tốt lời Bác dạy.
- Trước hết là phải thật thà đoàn kết. Làm gì cũng phải thật thà, trung thực. Trong nghề y và nghề làm thầy lại cần phải thật thà trung thực hơn, không được lừa dối đồng nghiệp, bệnh nhân... Bên cạnh đó, phải thực sự đoàn kết, đoàn kết là sức mạnh để chúng ta vượt qua khó khăn, thử thách hoàn thành mọi nhiệm vụ. Phải đoàn kết chặt chẽ giữa thày và thày, giữa thày và trò, giữa thầy thuốc với người bệnh, giữa học trò với nhau, giữa cán bộ các cấp; giữa nhà trường với các cơ quan, đặc biệt là giữ vững mối quan hệ viện - trường, góp phần đào tạo được nhiều nguồn nhân lực y tế có chất lượng cao, nâng cao công tác nghiên cứu khoa học cũng như ứng dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào công tác điều trị.
- Thương yêu người bệnh. Nghề nào cũng cần có đạo đức nghề nghiệp, riêng với nghề y, y đức đóng vai trò quan trọng hàng đầu, quyết định sự thành công hay thất bại trong việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân. Dù y lý, y thuật có thay đổi theo thời gian, nhưng y đức không bao giờ thay đổi, đặc biệt là khi chúng ta thực hiện việc khám chữa bệnh trong cơ chế thị trường, vì bởi đây là nghề chữa bệnh cứu người. Người thầy thuốc phải là "lương y", phải rèn đức, hướng tâm, hướng thiện, người thầy thuốc cần phải có cái tâm trong sáng, có tình cảm, lương tâm và trách nhiệm đối với người bệnh như tình mẫu tử. Người thầy thuốc phải có cái tâm của người mẹ, sẵn sàng chia sẻ nỗi đau với người bệnh, sẵn sàng chịu đựng mọi hy sinh gian khổ, “hết lòng hết sức” cứu chữa và phục vụ bệnh nhân như tình mẫu tử, yêu thương người bệnh như anh em, ruột thịt của mình thì càng phải có trí tuệ, chuyên môn tay nghề giỏi. Do vậy từ thầy thuốc lâu năm tới HSSV - những thầy thuốc tương lai càng phải học, học suốt đời, học ở sách, học trên mạng, học ở bệnh nhân, học đồng nghiệp, học chuyên môn, học cách giao tiếp ứng xử, học cách phục vụ nhân dân, phục vụ bệnh nhân vô điều kiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn cho yêu cầu của sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Muốn hồng phải chuyên sâu, muốn cho y đức được thực hiện đầy đủ và có ý nghĩa thực tiễn thì phải không ngừng trau dồi y lý, y thuật và làm giàu trí tuệ của mình.
Làm tốt những điều này, sẽ tạo điều kiện để mỗi thầy thuốc thể hiện rõ lương tâm và trách nhiệm của một "lương y như từ mẫu", thân thiện với mọi người, tận tuỵ với mọi công việc, phải luôn lấy bệnh nhân & gia đình người bệnh làm trung tâm, luôn phấn đấu làm hài lòng người bệnh, gia đình và cộng đồng và chỉ khi đó chúng ta mới giữ nguyên hình ảnh người thầy trong xã hội không bị phai nhạt dần theo cơ chế thị trường.
Với tinh thần ngày 27/2, các thầy thuốc, các CBVC, HSSV Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương nguyện làm theo lời Bác dạy, thật thà đoàn kết, yêu thương người bệnh, không ngừng nâng cao đạo đức nghề nghiệp, năng lực chuyên môn, kỹ năng giao tiếp ứng xử góp phần trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ nhân dân.
Xin kính chúc các đồng chí lãnh đạo, các quý vị đại biểu, chúc các thày thuốc, các cán bộ viên chức cùng các em HSSV dồi dào sức khoẻ, nhiều niềm vui và thành công trong công tác.
Xin trân trọng cảm ơn!




TTND.PGS.TS Vũ Đình Chính
Số lượt đọc:  22839  -  Cập nhật lần cuối:  28/02/2014 07:27:15 AM
Tin mới: