|
Trang chủ
>
Tin tức | Truyền thông về phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra Chiều ngày 04/02/2020 Trường Đại học Y Hà Nội tổ chức buổi Truyền thông về phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra. Được sự chỉ đạo của Ban Giám hiệu Trường Đại học Y Hà Nội, với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, Bệnh viện bệnh nhiệt đới TW, Viện Vệ sinh Dịch tễ TW, chiều ngày 04/02/2020 Trường Đại học Y Hà Nội tổ chức buổi Truyền thông về phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra với mục tiêu: Cung cấp các thông tin chính xác và đầy đủ về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra, tác hại, cách phòng ngừa cho cán bộ, học viên và sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội. Tham dự buổi Truyền thông, về phía khách mời: - Bà Satoko Otsu – Trưởng nhóm đáp ứng sự kiện y tế cộng đồng khẩn cấp, Điều phối viên nhóm Kiểm soát bệnh truyền nhiễm Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam; - TS Nguyễn Đức Khoa – Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế Dự phòng Bộ Y tế; - TS Phạm Quang Thái – Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm Viện Vệ sinh Dịch tễ TW. Về phía Nhà trường: GS.TS Tạ Thành Văn – Hiệu trưởng; GS.TS Lê Thị Hương – Viện trưởng Viện Đào tạo YHDP&YTCC; PGS.TS Kim Bảo Giang – Phó Viện trưởng Đào tạo YHDP&YTCC; PGS.TS Nguyễn Đăng Vững – Phó Viện trưởng Đào tạo YHDP&YTCC; PGS.TS Nguyễn Vũ Trung – Trưởng Bộ môn Vi sinh, Phó Giám đốc Bệnh viện bệnh nhiệt đới TW; BS Vũ Quốc Đạt – Giảng viên Bộ môn Truyền nhiễm, Điều phối viên chương trình đào tạo cúm toàn cầu tại Việt Nam, thành viên mạng lưới đánh giá và ứng phó lâm sàng với bệnh mới nổi của Tổ chức Y tế thế giới; cùng đại diện lãnh đạo phòng, ban và các thầy/cô bộ môn, CBVC, học viên, sinh viên trong toàn trường tham dự. Buổi Truyền thông về phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra, được tổ chức tại Hội trường lớn và được truyền trực tiếp đến 02 giảng đường Nhà B của Trường Đại học Y Hà Nội và Phân hiệu Trường Đại học Y Hà Nội tại Thanh Hóa. GS.TS Tạ Thành Văn khẳng định: “…Thầy/trò Trường Đại học Y Hà Nội luôn sẵn sang, bất kỳ khi nào người dân và ngành y tế của đất nước cần. Lịch sử 118 năm của Trường Đại học Y Hà Nội đã ghi nhận sự đóng góp trí tuệ, công sức, thậm trí cả sinh mạng của thầy/trò Nhà trường trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc…Trong thời bình, sinh viên và giảng viên Nhà trường luôn sát cánh với ngành y tế Thủ đô và ngành y tế của cả nước, tham gia chống dịch mỗi mùa bão lũ hàng năm, phòng chống sốt xuất huyết, sốt rét, các bệnh dịch cúm theo mùa…Chúng ta được xã hội tôn vinh là những chiến sĩ áo trắng với lời thề Hippocrates, lời thề nghề nghiệp là phương châm cho suốt cuộc đời hành nghề y của chúng ta. Ngày nay, bệnh tật giờ đây không phải là vấn đề của riêng một quốc gia…Bên cạnh đó, hệ thống truyền thông mạng phát triển vượt trội so với phương tiện truyền thông, trong khi biện pháp kiểm duyệt, sàng lọc chưa thực sự hiệu quả, khiến cho cộng đồng khó phân biệt được thông tin nào đúng, thông tin nào sai. Chính vì vậy, sau buổi hôm nay, tôi mong muốn mỗi học viên, sinh viên sẽ được trang bị những hiểu biết,những kiến thức đúng đắn về dịch bệnh này, để từ đó chúng ta có những hành động đúng, và chúng ta không chỉ là những nhà chuyên môn mà chúng ta còn là những tuyên truyền viên tích cực, phổ biến sâu rộng những thông tin và những biện pháp chuyên môn chuẩn mực đối phó với dịch bệnh. Và thầy/trò Trường Đại học Y Hà Nội một lần nữa khẳng định trách nhiệm của mình đối với cộng đồng, với sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của người dân, luôn ở tư thế sẵn sàng khi đất nước cần”. Tại Buổi truyền thông, cán bộ, học viên, sinh viên lắng nghe các báo cáo với nội dung cụ thể về phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra: - Bà Satoko Otsu – Trưởng nhóm đáp ứng sự kiện y tế cộng đồng khẩn cấp, Điều phối viên nhóm Kiểm soát bệnh truyền nhiễm Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam: Thông tin về Tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV 2019) trên thế giới; Các khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới và Bộ Y tế trong dự phòng lây nhiễm nCoV 2019. Bà Satoko Otsu cho biết: Bệnh viêm phổi do virus Corona chủ yếu ở tuổi trung niên, dao động từ 21 đến 80 tuổi và nam nhiều hơn nữ. Bệnh có tỉ lệ tử vong khoảng 2,3%, nhưng lây lan nhanh hơn các loại dịch khác. Phần lớn đều có biểu hiện nhẹ, nhưng rồi nặng lên trong khoảng 2 tuần và nhiều người đã tử vong. Hiện chưa có vaccine và thuốc điều trị, chỉ cách ly, vì thế, bác sĩ điều trị, làm xét nghiệm phải được bảo hộ chặt chẽ. Bà Satoko Otsu nhấn mạnh: Đây là lúc chúng ta đối diện với thực tế chứ không phải để sợ hãi. Là lúc chúng ta phải dựa vào các bằng chứng khoa học chứ không phải tin đồn. - TS Phạm Quang Thái – Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm Viện Vệ sinh Dịch tễ TW: Cập nhật tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV 2019) tại Việt Nam. Ông Thái cho biết: Chưa bao giờ hệ thống chính trị của Việt Nam minh bạch thông tin như vụ dịch virus Corona. Lần đầu tiên các xét nghiệm được công bố ngay lập tức. Việt Nam hiện có 10 người mắc virus Corona, nhưng chưa có ca tử vong. Chỉ có một người đàn ông Trung Quốc lớn tuổi bị nặng, còn lại đều bệnh nhẹ. Nhiều người hỏi có phải dịch ra khỏi Trung Quốc thì gen virus kém đi? Không phải, mà thực tế các bệnh nhân người Việt đều còn trẻ, miễn dịch tốt. Nhưng nếu những người này không được quản lý tốt thì sẽ lây lan ra cộng đồng và làm hệ thống y tế quá tải. - PGS.TS Nguyễn Vũ Trung – Phó Giám đốc Bệnh viện bệnh nhiệt đới TW, Trưởng Bộ môn Vi sinh Trường Đại học Y Hà Nội báo cáo về việc: Xử lý viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV 2019) tại Việt Nam, các bệnh viện của Việt Nam đều chuẩn bị sẵn sàng để điều trị khi có bệnh nhân mắc virus Corona. Tới đây sẽ mở rộng số bệnh viện được xét nghiệm. Bệnh viện bệnh nhiệt đới TW cơ sở 2 có 1.000 giường, có các phòng áp lực âm cố định và lưu động, để cách ly người bệnh. Các bệnh viện khác không có phòng áp lực âm, sử dụng khu vực cách ly vẫn hiệu quả. - BS Vũ Quốc Đạt – Giảng viên Bộ môn Truyền nhiễm Trường Đại học Y Hà Nội, Điều phối viên chương trình dào tạo cúm toàn cầu tại Việt Nam, thành viên mạng lưới đánh giá và ứng phó lâm sàng với bệnh mới nổi của Tổ chức Y tế thế giới: Sinh viên Y cần làm gì khi đi học lâm sàng và trực tại bệnh viện. BS Đạt cung cấp những thông tin về phòng bệnh: Nhiều người lo lắng vật nuôi trong nhà sẽ lây bệnh do virus Corona, nhưng chỉ có động vật hoang dã mới truyền bệnh. Tin đồn về các phụ gia, thực phẩm như nước tương, dầu gió có thể phòng là bệnh hoàn toàn sai. BS Đạt nhấn mạnh: Virus Corona không lây qua không khí, mà lây qua giọt bắn, nên người bệnh dùng khẩu trang có thể ngăn được phần lớn giọt bắn. Do đó, khẩu trang dùng để nhằm hạn chế sự phát tán của người bệnh, chứ không phải người khỏe dùng để tránh được bệnh. Do đó, WHO khuyến cáo những người khỏe mạnh không cần đeo khẩu trang. Không nên dùng khẩu trang rộng rãi cho người lành, vì có thể còn nhiễm bệnh do sử dụng không đúng cách, như không rửa tay ngay sau khi đeo khẩu trang, khi sờ vào mặt ngoài khẩu trang; dùng khẩu trang suốt một ngày… Thay mặt Cục Y tế Dự phòng Bộ Y tế, TS Nguyễn Đức Khoa – Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm phát biểu rất vui khi Trường Đại học Y Hà Nội có phản ứng nhanh với dịch bệnh này, chứng tỏ sự quan tâm, mong muốn đóng góp sức lực của mình trong công cuộc phòng chống dịch bệnh. Ông Khoa cung cấp một số thông tin để mọi người đỡ hoang mang và không chủ quan với tình hình dịch bệnh. Ông cũng nêu rõ về đánh giá dịch bệnh từ chính phủ: “Chống dịch như chống giặc”, không được chủ quan, phải đảm bảo tính mạng, sức khỏe của người dân, không để lây lan, hạn chế tối đa trường hợp tử vong.
Trích dẫn bài của "Trường Đại học Y Hà Nội" | |
|
|
|