HMTU
Đang tải dữ liệu...
Đăng nhập |   Sơ đồ site |   English |   Hỏi đáp |   Email |   Liên hệ 
Trang chủGiới thiệuTin tứcĐào tạoKhảo thí & BĐCLGDNghiên cứu khoa học - Hợp tác quốc tếTuyển sinhSinh viênBệnh ViệnThư việnKhai báo Y tế
Đào tạo
Kết quả đào tạo
Ngành đào tạo
Chương trình đào tạo
Chuẩn đầu ra
Văn bằng chứng chỉ đã cấp
Lịch học
Danh sách giảng viên
Tin Đào tạo
Đào tạo theo học chế tín chỉ ở Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương
Đào tạo theo hệ thống tín chỉ ra đời tại Đại học Harvard Hoa kỳ năm 1872 và đã phát triển rộng khắp trên toàn thế giới. Theo học giả người Mỹ gốc Trung Quốc James Quann thuộc Đại học Washington: tín chỉ học tập là một đại lượng đo toàn bộ thời gian bắt buộc của một người học bình thường để học một môn học cụ thể, bao gồm: 1) thời gian lên lớp; 2) thời gian ở trong phòng thí nghiệm, thực tập hoặc các phần việc khác đã được quy định ở thời khoá biểu; và 3) thời gian dành cho đọc sách, nghiên cứu, giải quyết vấn đề, viết hoặc chuẩn bị bài...; đối với các môn học lý thuyết 1 tín chỉ là một giờ học trên lớp (với 2 giờ chuẩn bị ở nhà) trong 1 tuần và kéo dài trong 1 học kỳ 15 tuần; đối với các môn học ở studio hay phòng thí nghiệm - ít nhất là 2 giờ trong 1 tuần (với 1 giờ chuẩn bị ở nhà); đối với việc tự nghiên cứu - ít nhất là 3 giờ làm việc trong 1 tuần.

Phải khẳng định rằng, học chế tín chỉ là phương pháp tiên tiến, với quan điểm lấy người học làm trung tâm, có tính mềm dẻo và khả năng thích ứng cao, giúp các trường mở rộng ngành học mới một cách dễ dàng đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, tạo thuận lợi cho người học lựa chọn ngành nghề phù hợp. Học chế tín chỉ coi trọng tự học, tự nghiên cứu của người học, giảm sự nhồi nhét kiến thức của người dạy, phát huy tính chủ động, sáng tạo của sinh viên, cho phép sinh viên chủ động học theo điều kiện và năng lực của mình, sinh viên có thể dễ dàng thay đổi ngành học và kết quả học tập của sinh viên được tính theo từng học phần, nếu không đạt một học phần nào đó, sinh viên sẽ không phải học lại từ đầu.

Tuy nhiên, phần lớn các học phần trong học chế tín chỉ được quy định 3 hoặc 4 tín chỉ, do đó đôi khi không đủ thời gian để trình bày kiến thức theo trình tự diễn biến liên tục. Để khắc phục tình trạng này, khi thiết kế chương trình đào tạo cần phải cấu trúc lại toàn bộ theo hướng mô đun hóa, những năm cuối nên tổ chức các kỳ thi có tính tổng hợp để sinh viên có thể hệ thống lại các kiến thức, kỹ năng đã học. Bên cạnh đó, các lớp học được tổ chức theo học phần, nên khó xây dựng các tập thể gắn kết chặt chẽ như các lớp theo niên chế, việc tổ chức sinh hoạt đoàn thể của sinh viên theo lớp học ổn định có thể gặp khó khăn.

Ở Việt Nam, đào tạo theo học chế tín chỉ được một số trường đại học áp dụng trong khoảng 15 năm trở lại đây, tuy nhiên mỗi trường áp dụng theo một cách khác nhau. Thực hiện phương thức đào tạo theo tín chỉ như thế nào cho phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của mỗi trường là vấn đề lớn và khó đối với các nhà quản lý đào tạo và cán bộ giảng dạy của các trường. Đào tạo theo tín có thành công và góp phần nâng cao chất lượng đào tạo hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào sự lãnh, chỉ đạo kiên quyết và khoa học của Lãnh đạo, sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị trong nhà trường, nhận thức và trách nhiệm của cán bộ viên chức, HSSV và sự tự giác cũng như tấm lòng của người thầy.

Đào tạo theo học chế tín chỉ ở Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2010 - 2011 của Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương là triển khai đào tạo theo học chế tín chỉ. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo trường, đặc biệt là thầy Hiệu trưởng, sự quyết tâm, nỗ lực của tập thể cán bộ, giảng viên, viên chức, việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho đào tạo theo tín chỉ - đây là những thuận lợi cơ bản cho sự thành công và đi vào ổn định của việc chuyển đổi đào tạo theo học chê tín chỉ trong Nhà trường. Tuy nhiên, là năm học đầu tiên, lại là trường đại học kỹ thuật y tế đầu tiên áp dụng hình thức đào tạo theo học chế tín chỉ, nên trường cũng gặp phải nhiều khó khăn, thách thức, đó là: thiếu kinh nghiệm về đào tạo tín chỉ trong ngành y; Đội ngũ giảng viên và sinh viên chậm đổi mới về tư duy, ngại thay đổi thói quen giảng dạy, học tập kiểu truyền thống; đội ngũ cán bộ quản lý đào tạo chưa theo kịp sự phát triển của Nhà trường;Điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều bất cập … cũng là những thách thức không nhỏ trong việc chuyển đổi hình thức đào tạo theo tín chỉ.

Để góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo theo học chế tín chỉ, giữ vững và nâng cao chất lượng đào tạo, trong thời gian tới, Nhà trường cần tập trung một số giải pháp sau:

Một là: Tiếp tục đổi mới tư duy trong đào tạo theo học chế tín chỉ đối với đội ngũ cán bộ, giảng viên, HSSV nhằm thay đổi thói quen, thay đổi phương thức tổ chức, điều hành quản lý; thay đổi phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá; thay đổi phương pháp học tập: Tập huấn phương pháp dạy học theo học chế tín chỉ cho đội ngũ giảng viên; các cán bộ giảng viên phải tâm huyết, quyết tâm đổi mới; Tổ chức tham quan học hỏi kinh nghiệm các trường đào tạo theo hệ thống tín chỉ cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến sinh viên quy chế đào tạo theo tín chỉ và các thông tin liên quan đến hệ thống tín chỉ; tổ chức các buổi toạ đàm về phương pháp học tập giữa các khối lớp giúp sinh viên chủ động trong học tập, tự học, tự nghiên cứu.

Hai là: Tổ chức biên soạn đề cương chi tiết môn học theo yêu cầu của đào tạo tín chỉ (Từ xác định mục tiêu, phương pháp, cách tổ chức thực hiện, vật liệu dạy học, lượng giá, tài liệu học tập, tài liệu tham khảo, giảng viên); Biên soạn tài liệu giảng dạy có sự tích hợp, lồng ghép và đào tạo theo năng lực. Học tập, chia se kinh nghiệm với các trường đào tạo theo học chế tín chỉ và tham khảo chương trình đào tạo quốc tế để tiếp tục đổi mới phù hợp với thực tế Việt Nam và hội nhập quốc tế.

Ba là: Xây dựng và hoàn thiện các công cụ phục vụ học chế tín chỉ như: Thông tin về đào tạo (Giới thiệu về trường, Chương trình đào tạo, tiến trình đào tạo), Sổ tay sinh viên, các thông tin liên quan đến đào tạo; Sổ tay cố vấn học tập và phổ biến kịp thời đến sinh viên. Phối hợp chặt chẽ giữa Phòng Đào tạo, phòng Công tác HSSV, phòng Kiểm định chất lượng và các phòng chức năng với đội ngũ cố vấn học tập. Đổi mới công tác đánh giá, quan tâm đánh giá quá trình học tập của sinh viên. Xây dựng và hoàn thiện các bộ công cụ phục vụ giảng dạy và đánh giá học phần.

Bốn là: Tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất đảm bảo phòng học, phòng thực tập, trang thiết bị phục vụ cho đào tạo tín chỉ; Đổi mới công tác quản lý thư viện, bổ sung tài liệu học tập và tài liệu tham khảo. Xây dựng hệ thống tài liệu học tập cho sinh viên; công khai giáo trình điện tử trên mạng nội bộ của trường; tổ chức liên kết các trường đại học khai thác các nguồn tư liệu mở trên mạng; Khai thác hiệu quả thư viện điện tử, xây dựng kế hoạch phát triển thư viện trở thành Trung tâm học liệu. Nhanh chóng đưa phần mềm quản lý đào tạo theo tín chỉ và cổng thông tin điện tử của nhà trường vào hoạt động.

Năm là: Tiếp tục tổ chức sinh viên đánh giá hoạt động giảng dạy của giảng viên. Cuối học kỳ, khi kết thúc học phần, mỗi sinh viên được phát “phiếu đánh giá giảng dạy”. Sinh viên nhận xét về những điều bổ ích hay chưa bổ ích, ưu điểm và nhược điểm của môn học, ưu điểm và nhược điểm của giảng viên. Qua đó giúp cho từng giảng viên, bộ môn xem xét mục tiêu, nội dung đào tạo đặc biệt là phương pháp giảng dạy.

Sáu là: Xây dựng kế hoạch đào tạo, bổ sung đội ngũ giảng viên để đáp ứng yêu cầu đào tạo tín chỉ. Phát triển đội ngũ giảng viên thỉnh giảng tại các cơ sở y tế thuộc khu vực Hải Dương. Có cơ chế thu hút cán bộ y tế giỏi về làm việc tại trường, có chế độ thưởng - phạt rõ ràng, xem đây là một khâu quan trọng để triển khai thành công chuyển đổi sang học chế tín chỉ.

Bảy là: Tăng cường kiểm tra, giám sát và sau mỗi học kỳ tổ chức Hội nghị đánh giá để rút kinh nghiệm để điều chỉnh kịp thời những khó khăn trong khi triển khai đào tạo theo tín chỉ.

Đào tạo theo học chế tín chỉ là một quá trình đổi mới toàn diện, liên tục, bền bỉ và lâu dài, đòi hỏi phải có lộ trình, bước đi vững chắc. Với mục tiêu giữ vững và nâng cao chất lượng đào tạo, bên cạnh các yếu tố về đội ngũ, cơ sở vật chất kỹ thuật, môi trường giáo dục, vấn đề đổi mới tư duy của đội ngũ giảng viên và sinh viên theo quan điểm giáo dục đại học tích cực là then chốt nhằm tạo nên những biến đổi về chất và lượng trong đào tạo, nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội.

TS. Trần Thị Minh Tâm- Phòng Đào tạo
Số lượt đọc:  21864  -  Cập nhật lần cuối:  22/03/2011 01:06:05 PM
Đánh giá của bạn:
Tổng số:  4     Trung bình:  4.5