BTK: Tháng 11/2013 Trung tâm Truyền thông hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Tủ sách Văn hóa Việt xuất bản cuốn sách Những nhà khoa học ngành Y với lời tựa: Chân lý và những điều giản đơn giới thiệu những thầy thuốc - cán bộ quản lý - nhà khoa học tiêu biểu hết lòng vì bệnh nhân, có nhiều công trình khoa học có ý nghĩa, những người đã và đang góp sức mình cho sự nghiệp phát triển Y tế Việt Nam. Ban Thư ký Website Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương xin trân trọng giới thiệu nguyên văn bài viết “ Dù là tuổi 20, dù là khi tóc bạc” về TTND.PGS.TS Vũ Đình Chính – Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương - một trong 32 tấm gương thầy thuốc được vinh danh trong cuốn sách.
DÙ LÀ TUỔI 20
DÙ LÀ KHI TÓC BẠC
Trong đoạn kết bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ", nhà thơ Thanh Hải viết: "Một mùa xuân nho nhỏ/Lặng lẽ dâng cho đời/Dù là tuổi hai mươi/ Dù là khi tóc bạc". Những câu thơ ấy, nếu đem ghép vào cuộc đời và sự nghiệp của PGS.TS.TTND Vũ Đình Chính - Hiệu trưởng trường Đại học Y tế Kỹ thuật Hải Dương sẽ giống như một bản hòa ca âm vang mãi. Bởi lẽ, người Thầy thuốc Nhân dân ấy, "dù là tuổi hai mươi…dù là khi tóc bạc", vẫn lặng lẽ cống hiến hết mình, chỉ mong muốn dâng cho đời "mùa xuân nho nhỏ" tài năng và tâm huyết luôn đong đầy trong trái tim và khối óc…
TTND.PGS.TS Vũ Đình Chính, Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương,
Nguyên Thượng tá Quân đội Nhân dân Việt Nam
Dấu ấn tuổi 20
Sinh ra trên mảnh đất Bình Giang - Hải Dương - một mảnh đất giàu truyền thống hiếu học, PGS.TS Vũ Đình Chính ngay từ thuở nhỏ đã thấm nhuần đạo lý quê hương, học tập siêng năng, chuyên cần, mong muốn có thể trở thành một công dân thật sự có ích cho đất nước sau này. Lớn lên trong hoàn cảnh đất nước còn đang chìm trong khói lửa chiến tranh, ông càng ý thức hơn bao giờ hết nhiệm vụ của thế hệ trẻ phải đóng góp sức mình cho công cuộc bảo vệ, dựng xây Tổ quốc.
Tháng 5 năm 1971, ngay sau khi tốt nghiệp trường cấp 3 Bình Giang - Hải Dương, ông lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của Tổ quốc. Sau khi huấn luyện tại Tiểu đoàn 640 - Trung đoàn 2 - Bộ Chỉ huy Quân sự Hải Dương trong 3 tháng, ông được chuyển về Tiểu đoàn 27 - Công binh. Thấy được những tố chất của ông ngay từ những ngày đầu về đơn vị, chỉ một thời gian đi học lớp cán bộ quản lý trung đội, PGS.TS Vũ Đình Chính được bổ nhiệm làm Tiểu đội trưởng rồi Trung đội phó. Trong khoảng thời gian này, Trung đội của ông luôn dẫn đầu trong Đại đội về thành tích huấn luyện phục vụ chiến đấu.
Tháng 3 năm 1973, một cơ hội lớn và cũng là cơ duyên đầu tiên đến với Y học của PGS.TS Vũ Đình Chính, đó là ông được Quân khu cử đi học ôn và thi vào trường Đại học Quân Y. Sau khi thi đỗ, ông học tập tại đây trong 6 năm và là một trong số ít học viên được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Việt Nam vào tháng 2 năm 1977. Ngoài vinh dự lớn lao đó, cùng với nỗ lực học tập rèn luyện và học tập trong khóa học, ông đã nhận được bằng khen về thành tích học tập và rèn luyện trong 6 năm học tại Trường. Đó chính là dấu mốc đầu tiên ghi nhận sự phấn đấu, tâm huyết tuổi trẻ của PGS.TS Vũ Đình Chính, cũng là động lực cổ vũ ông bước tiếp hướng đi đã chọn. Giờ đây, ký ức về những năm tháng học tập tại trường Đại học Quân y vẫn còn in sâu trong trái tim ông với niềm xúc động, tự hào.
Sau khi đi phục vụ biên giới Tây Nam, ông cùng một số sinh viên khá, giỏi được được Nhà trường lựa chọn đi học Bác sỹ Hàng không. Tháng 7 năm 1979, ông tốt nghiệp Bác sỹ trường Đại học Quân y, mặc dù nằm trong diện được giữ lại tại Bộ môn Sinh lý Lao động Quân sự, nhưng do chiến tranh Biên giới nên số học sinh xuất sắc của trường đều phải đi đơn vị, PGS.TS Vũ Đình Chính cũng được cử về nhận nhiệm vụ tại Trung đoàn 910 Không quân đóng quân tại Thuận Hải, đảm nhận vị trí Chủ nhiệm Quân y Trung đoàn, sau là Trợ lý của Ban Quân y trường Sỹ quan Không quân. Trong thời gian phục vụ trong Trung đoàn, ông có nhiều đóng góp thiết thực phục vụ sức khỏe bộ đội. Đặc biệt là nghiên cứu trạng thái tâm lý và nhịp tim của phi công nhảy dù, đảm bảo khẩu phần ăn cho phi công, sáng kiến trồng cây Xuyên tâm liên (một loại thuốc có tác dụng kháng sinh), mua máy dập viên thuốc để cung cấp cho bộ đội. Ngoài ra ông còn tham gia giảng dạy về sinh lý hàng không cho học viên sỹ quan không quân.
Không chỉ dừng lại những đóng góp đầy tính sáng tạo đó, sau khi được chuyển về đội Vệ sinh phòng dịch của Quân chủng Phòng không Không quân, PGS.TS Vũ Đình Chính tiếp tục có nhiều đóng góp trong công tác phòng chống dịch bệnh, là bác sỹ và có thời kỳ phụ trách trồng cây thuốc của phòng quân y Quân chủng Không quân, nhưng ông vẫn luôn hoàn thành nhiệm vụ và đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua. Với sức trẻ dạt dào trong trái tim, đó là những năm tháng cống hiến đầy nhiệt tình và hết mình nơi ông, cũng là những ngày tháng ông rèn luyện thêm cho mình ý chí, bản lĩnh, dần dần hình thành nên chữ Tâm trong sáng của một người Thầy thuốc trẻ.
Quê hương yêu dấu
Khi đang công tác tại đội Vệ sinh phòng dịch của Quân chủng Không quân, PGS.TS Vũ Đình Chính được đi học tiếng Nga để sang Liên Xô đào tạo cán bộ nguồn cho quân y quân chủng. Nhưng vì lý do đặc biệt, bố đang phục vụ trong quân đội, mẹ ở nhà ốm nặng, do vậy, năm 1984 ông được Bộ Quốc phòng điều về công tác tại Viện 7 - Quân khu 3.
Trở về công tác tại Viện 7 - Quân khu 3, PGS.TS Vũ Đình Chính đảm nhiệm công tác bác sỹ điều trị, trợ lý Ban y vụ, rồi đi học bác sỹ chuyên khoa cấp 1, chuyên khoa cấp 2. Trong khoảng thời gian công tác từ năm 1984 đến năm 1999, ông có gần 10 năm giữ chức vụ Chủ nhiệm khoa Nội 1, gần 2 năm đảm nhiệm vị trí Phó Giám đốc bệnh viện. Với tinh thần cống hiến hết mình, ông tiếp tục trở thành một tấm gương sáng về thái độ, tác phong làm việc đầy nhiệt tình để các cán bộ, y bác sĩ trong khoa học tập và noi theo. Trong thời gian đầu công tác ở khoa Nội 1 (nay là khoa Nội 2), PGS.TS Vũ Đình Chính để lại dấu ấn khó phai trong lòng đồng nghiệp và bệnh nhân với trình độ chuyên môn vững vàng và tấm lòng chân thành, tận tụy đối với từng bệnh nhân, nên khoa Nội 1 luôn tạo được niềm tin đối với bệnh nhân và đồng nghiệp, luôn dẫn đầu trong các phong trào thi đua của bệnh viện. Không chỉ dừng lại ở công tác chuyên môn, khi Bệnh viện 7 phát động phong trào "làm giàu đánh thắng", cùng với các cán bộ, bác sĩ của bệnh viện tích cực tăng gia sản xuất, ông mạnh dạn cùng khoa tham gia khám chữa bệnh cho các đối tượng chính sách và nhân dân xã kết nghĩa để đóng góp chỉ tiêu tăng gia cho bệnh viện thay vì phải đi cầy, đi cấy. Cũng trong thời gian này, ông đã tham mưu cho Ban giám đốc Bệnh viện 7 mạnh dạn thành lập khoa Nhân dân với mục đích giúp mọi tầng lớp nhân dân được khám chữa bệnh đồng thời nâng cao chất lượng điều trị của bệnh viện. Đây cũng là một kỷ niệm khó quên của PGS.TS Vũ Đình Chính.
Nhớ lại những năm tháng gắn bó và cùng với Viện 7 vượt qua nhiều khó khăn, PGS.TS Vũ Đình Chính vẫn còn nguyên niềm xúc động. Ông tâm sự, trong thời gian làm tại đây, ông đã có rất nhiều cơ hội phát triển bởi ông là người con được sinh ra trên chính mảnh đất Hải Dương, đồng thời lại là Phó Tiến sĩ, Bác sĩ chuyên khoa 2, vì thế đã có nhiều cơ hội để chuyển vị trí công tác cao hơn, tốt hơn. Điều này đã khiến PGS.TS Vũ Đình Chính suy nghĩ rất nhiều: nếu như về những đơn vị khác, ông sẽ có nhiều thuận lợi hơn, nhưng nếu ra đi chỉ để đổi lấy sự ấm êm, sung sướng riêng cho cá nhân thì lại là điều mà ông không hề mong muốn. Ông là như vậy! Dù ở bất cứ nơi đâu, đảm đương bất kỳ nhiệm vụ gì, ông đều cố gắng hết mình để làm được điều gì đó cho nhân dân, cho xã hội. Và giờ đây, khi ngồi nhìn lại những chặng đường đã đi qua, PGS.TS Vũ Đình Chính vẫn cảm thấy thật may mắn bởi trong giai đoạn khó khăn bộn bề những suy nghĩ về những vị trí công tác, ông đã tìm được lời khuyên chân thành và hữu ích từ Giáo sư, người thầy đã hướng dẫn ông làm Luận án Phó tiến sĩ tại Trường Đại học Y Hà Nội khuyên rằng nên chuyển công tác về trường Trung học Kỹ thuật Y tế 1 - Bộ Y tế. Trước sự phản đối của nhiều bạn bè và đồng nghiệp, PGS.TS Vũ Đình Chính vẫn quyết định về Trường Trung học Kỹ thuật Y tế 1 - Bộ Y tế với biết bao hy vọng và thử thách mới, vì ông luôn tâm niệm rằng với những kinh nghiệm dạn dày trong cuộc đời một người lính thì đây thực sự là một cơ hội để ông tiếp tục chứng tỏ bản lĩnh, năng lực của một người con quê hương Bình Giang, Hải Dương…
Hạnh phúc bền lâu là sự nghiệp trồng người!
PGS.TS Vũ Đình Chính tâm sự: đã có nhiều người gọi ông là "ông thầy ưa phá rào" sau khi ông chuyển công tác từ Bệnh viện 7 sang trường Trung học Kỹ thuật Y tế 1 - Bộ Y tế, nhiều người đã nghi ngờ về sự thành công của ông, bởi ông dám chuyển sang một môi trường làm việc, một nhiệm vụ hoàn toàn mới: công tác quản lý đào tạo. Thế nhưng, nếu như hiểu được con người ông cùng những khát khao muốn cống hiến cho thế hệ trẻ, thì đó là một việc làm hoàn toàn dễ hiểu, một người thầy thuốc chân chính không chỉ là người có chuyên môn giỏi và hết lòng với người bệnh, mà còn phải là người biết dùng chữ Tâm và chữ Tài ấy ươm mầm lên một thế hệ mới có đủ phẩm chất, năng lực tiếp nối thành quả của những thế hệ đi trước. Đối với ông, hạnh phúc bền lâu là sự nghiệp trồng người!
Tháng 6 năm 1999, từ một Thượng tá, Thầy thuốc Ưu tú, Phó Giám đốc Bệnh viện 7, PGS.TS Vũ Đình Chính trở về làm Phó Hiệu trưởng trường Trung học Kỹ thuật Y tế 1 - Bộ Y tế. Với những hiểu biết thật sự sâu sắc về nhu cầu nhân lực y tế, đáp ứng nhu cầu chăm sóc, điều trị bệnh nhân ngày càng cao, ngay từ những ngày tháng đầu tiên bước chân về Trường, ông đã có những hoạt động chỉ đạo quản lý đầy thiết thực và mang lại hiệu quả cao. Sau khi đảm đương vị trí Hiệu trưởng trường Trung học Kỹ thuật Y tế 1 - Bộ Y tế (năm 2000), thì đến 2001 ông đã cùng với tập thể trường nâng cấp lên thành Trường Cao đẳng Kỹ thuật Y tế 1 - Bộ Y tế và đến tháng 3 năm 2003, Trường đã thành lập phòng khám bệnh, tiền thân của mô hình Bệnh viện trong Trường y tế, hiện nay Trường đang tích cực hoàn tất các thủ tục đề nghị Bộ Y tế cấp phép đưa Bệnh viện Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương vào hoạt động - một bệnh viện có cơ ngơi khang trang với các trang thiết bị hiện đại phục vụ cho khám chữa bệnh và thực hành cho sinh viên. Trong các trang thiết bị hiện đại đó có thể kể đến thiết bị Labo Xét nghiệm An toàn thực phẩm được công nhận đạt chuẩn ISO/IEC 17025: 2005, tham gia xét nghiệm các mẫu thực phẩm với nhiều chỉ tiêu theo đơn đặt hàng của Cục An toàn Thực phẩm và Chi Cục An toàn thực phẩm Hải Dương. PGS.TS Vũ Đình Chính tự hào cho biết, mới đây labo này đã được đánh giá giám sát và vẫn duy trì được chuẩn ISO/IEC 17025: 2005 nhằm phục vụ công tác đào tạo và cung ứng dịch vụ cho các tỉnh đồng bằng sông Hồng về kiểm nghiệm an toàn thực phẩm.
PGS.TS Trần Thị Trung Chiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, thừa ủy quyền Chủ tịch nước trao tặng
Huân chương Lao động hạng Ba cho PGS.TS Vũ Đình Chính (tháng 10/2005)
Trên cương vị một hiệu trưởng, PGS.TS Vũ Đình Chính luôn trăn trở tập trung xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giảng viên có năng lực và phẩm chất tốt. Theo đó, ông đã chỉ đạo xây dựng quy hoạch phát triển tổng thể Nhà trường đến năm 2020, trong đó tập trung xây dựng đội ngũ giảng viên có trình độ Tiến sĩ, Thạc sĩ. Đến nay, tổng số cán bộ, giảng viên cơ hữu của trường là 260 người, trong đó cán bộ có trình độ sau đại học là 109 người. Bản thân PGS.TS Vũ Đình Chính đã được Tổ chức Y tế thế giới và Hội đồng Điều dưỡng thế giới trao chứng chỉ cố vấn quốc gia chương trình Leadership for Change (LFC) - Lãnh đạo để thay đổi, cùng 3 giảng viên của trường được trao chứng chỉ điều phối viên của chương trình. Trong lúc khó khăn nhất, ông đã chủ động liên kết, hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học và cung ứng dịch vụ y tế với các trường Đại học, Bệnh viện ở địa phương và trung ương, Bệnh viện Trung ương quân đội 108, Bệnh viện 19-8 Bộ Công an giúp Trường ổn định và phát triển.
PGS.TS.TTND Vũ Đình Chính tại buổi gặp mặt các Thầy thuốc Nhân dân tiêu biểu của
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhân dịp chào mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/2010)
Với trí óc nhạy bén và chữ Tâm đầy nhiệt thành, có thể nói PGS.TS Vũ Đình Chính đã đưa trường Trung học Kỹ thuật Y tế 1 - Bộ Y tế phát triển, lớn mạnh từng ngày. Bằng những hiệu quả hết sức thực tiễn, ông đã làm cho các lãnh đạo ngành Y tế, xã hội và các cơ sở y tế thấy được tầm quan trọng của kỹ thuật viên y tế trong tiến trình hiện đại hóa ngành Y tế. Chính vì vậy, vào tháng 5 năm 2000, PGS.TS Vũ Đình Chính tập trung xây dựng đề án thành lập trường Cao đẳng Kỹ thuật Y tế 1- Bộ Y tế. Trên cơ sở kinh nghiệm của hơn 20 năm đào tạo kỹ thuật viên y tế ở trình độ trung cấp, cùng tập thể cán bộ viên chức Trường, ông trực tiếp chỉ đạo thực hiện biên soạn và xuất bản 53 đầu sách. Đây là sự đồng lòng, đồng trí rất lớn, tập trung trí tuệ và công sức tập thể, lần đầu tiên ở Việt Nam có giáo trình đào tạo cao đẳng kỹ thuật y học (xét nghiệm, kỹ thuật hình ảnh, vật lý trị liệu, gây mê hồi sức, điều dưỡng nha khoa...). Tháng 7 năm 2007, khi Trường lên Đại học, PGS.TS Vũ Đình Chính lại tiếp tục chỉ đạo việc biên soạn chương trình giáo dục, giáo trình đào tạo các chuyên ngành như Kỹ thuật hình ảnh, xét nghiệm, Vật lí trị liệu - đều là những chuyên ngành mới chưa được quan tâm nhiều. Đặc biệt với tầm nhìn xa, ông đã cùng Nhà trường sớm định hướng và chuẩn bị mọi điều kiện để rồi ngày 20/2/2013 Bộ Giáo dục & Đào tạo đã quyết định cho Trường được đào tạo ngành Bác sỹ đa khoa. Đây là một sự kiện đặc biệt quan trọng, đánh dấu một mốc son lịch sử trong quá trình xây dựng và phát triển vượt bậc của Nhà trường.
Với quan điểm lấy người học là trung tâm của hoạt động nhà trường, hiệu trưởng Vũ Đình Chính đã triển khai nhiều hoạt động theo định hướng này. Sớm nhận thấy sự bất cập trong quy chế đào tạo trung cấp chuyên nghiệp, ngay từ năm học 2001 - 2002, hiệu trưởng Vũ Đình Chính cùng với Hội đồng xét lên lớp của Trường đã “phá rào” thực hiện việc cho học sinh được học tiếp mà không phải học lại toàn bộ chương trình với khóa sau nhưng phải trả nợ những môn học chưa đạt yêu cầu, nhằm tạo điều kiện cho học sinh, đặc biệt là những học sinh vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số, học sinh nghèo. Quy chế này sau đó đã được Bộ Giáo dục & Đào tạo sửa đổi phù hợp với điều kiện thực tế mà Trường đã thực hiện.
Có thể nói, rất hiếm có một ngôi trường nào trong một thời gian ngắn lại có thể mở rộng và phát triển từ Trung cấp lên Cao đẳng rồi Đại học như trường Đại học Y tế Kỹ thuật Hải Dương. Ngoài nền tảng vững chắc từ những năm 1960, đó còn là sự nỗ lực hết mình của các cán bộ, giảng viên, sinh viên trong Trường mà đi đầu là PGS.TS Vũ Đình Chính - một Hiệu trưởng đầy tâm huyết và luôn mang trong mình những hướng đi sáng tạo và đầy hiệu quả. Một bước đột phá quan trọng của trường Đại học Y tế Kỹ thuật Hải Dương trong những năm gần đây là đào tạo theo học chế tín chỉ, đào tạo dựa trên năng lực, năm học 2011 - 2012 mạnh dạn thí điểm đưa chương trình đào tạo kỹ năng mềm cho HSSV. PGS.TS Vũ Đình Chính cùng các cán bộ, giảng viên và sinh viên Nhà trường đã cùng nhau vượt qua những khó khăn, thách thức để xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, đổi mới phương pháp dạy - học truyền thống và tăng cường cơ sở vật chất, đặc biệt là đổi mới và ứng dụng công nghệ thông tin để đáp ứng cho việc dạy - học theo học chế tín chỉ. Trường đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về phương pháp dạy học cho các giảng viên, về nghiệp vụ cho đội ngũ cố vấn học tập; tuyên truyền, hướng dẫn phương pháp học tập cho sinh viên; xây dựng đề cương chi tiết học phần, tài liệu dạy - học và phương pháp đánh giá; xây dựng công cụ phục vụ đào tạo (các văn bản, quy định, tiến trình đào tạo, sổ tay sinh viên, sổ tay cố vấn học tập…), thay đổi phương thức tổ chức điều hành quản lý … Qua 3 năm triển khai đào tạo, đã đạt được kết quả bước đầu đáng phấn khởi, tạo niềm tin cho đội ngũ giảng viên và sinh viên tự giác, năng động, sáng tạo trong dạy và học.
Từ sự cần thiết của việc đào tạo dựa trên năng lực, Trường đã bước đầu triển khai thí điểm đào tạo điều dưỡng trình độ cao đẳng dựa trên năng lực. Với tư cách là phó giám đốc dự án Nâng cao năng lực giảng dạy các trường cao đẳng/trung cấp y tế (SMS), PGS.TS Vũ Đình Chính đã chỉ đạo và trực tiếp tham gia biên soạn cuốn sách "Kỹ năng thực hành điều dưỡng" - một cuốn sách có giá trị, đã thổi một luồng gió mới trong lĩnh vực đào tạo điều dưỡng, đồng thời ông đã cùng với nhóm chuyên gia của Trường đã soạn thảo Chuẩn đào tạo điều dưỡng ở Việt Nam, Bộ Công cụ theo dõi và quản lý chất lượng đào tạo điều dưỡng, giúp Bộ Y tế xây dựng tiêu chuẩn ngạch viên chức kỹ thuật viên y tế trình Bộ Nội vụ ban hành ngạch kỹ thuật viên cho ngành Y tế.
Như vậy, có thể nói, từ một anh bộ đội được rèn luyện trong quân ngũ hơn 28 năm, đến khi sang một môi trường hoàn toàn mới, PGS.TS Vũ Đình Chính vẫn giữ được cốt cách, tính kỷ luật quân đội. Chính vì thế, trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương ngày hôm nay luôn giữ vững kỷ cương, nề nếp, đặc biệt trong thi cử, ông cũng đã mạnh dạn áp dụng học sinh sinh viên đánh giá giảng viên từ năm 2006, góp phần giữ vững và nâng cao chất lượng đào tạo, tạo dựng được uy tín, niềm tin với các cơ sở y tế và nhân dân. Đó là bản lĩnh, là tài năng và cũng là tâm sức của một “anh bộ đội cụ Hồ” trong sự nghiệp trồng người đầy tự hào nhưng cũng không thiếu những gian nan, thử thách!
Những đột phá trong nghiên cứu khoa học và điều trị
Nhắc đến tấm gương lao động vẻ vang của PGS.TS Vũ Đình Chính, sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến hoạt động nghiên cứu khoa học của ông - nơi thể hiện bản năng đam mê cần có của một Thầy thuốc. Thật đáng khâm phục bởi dường như hoạt động quản lý không hề lấn át và làm lu mờ đi ngọn lửa nghiên cứu khoa học trong ông, mà lại giống như một sự đối sánh cân bằng, soi tỏ những thành quả không thể phủ nhận của hoạt động này. Trên con đường nghiên cứu khoa học đầy tâm huyết và miệt mài của PGS.TS Vũ Đình Chính, có thể thấy tố chất sáng tạo và đổi mới vẫn luôn hiện hữu - những tố chất ấy đã đem lại thành công cho ông trong hoạt động quản lý.
Với nhận thức và xác định nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc phát triển, nâng cao trình độ chăm sóc sức khoẻ và chất lượng giáo dục. Mặc dù là Bác sỹ, Tiến sỹ công tác ở đơn vị cơ sở, thiếu thày, thiếu cơ sở vật chất nhưng bản thân ông luôn tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, tập trung nghiên cứu các lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ cộng đồng và khoa học quản lý giáo dục. Sau khi bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sỹ chuyên ngành Nội khớp tháng 9 năm 1996 với đề tài: “Nghiên cứu Loãng xương và một số yếu tố liên quan tới loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh thuộc huyện Cẩm Bình - Hải Hưng”, ông đã làm chủ nhiệm và tham gia nghiên cứu 16 công trình nghiên cứu khoa học các cấp quản lý khác nhau, trong đó có các công trình tiêu biểu như: Chủ nhiệm đề tài cấp cơ sở: Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức vào việc xây dựng đạo đức cho học sinh, sinh viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật Y tế 1 (2004 - 2005). Nội dung của nghiên cứu đề cập đến thực trạng đạo đức của học sinh sinh viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật y tế 1, xác định những mặt tích, cực, những mặt hạn chế trong học tập và rèn luyện đạo đức của học sinh sinh viên, qua đó tìm hiểu nguyên nhân suy thoái đạo đức trong học sinh sinh viên hiện nay. Trên cơ sở đó đề ra một số giải pháp tăng cường công tác quản lý học sinh - sinh viên, đặc biệt công tác rèn luyện và tu dưỡng đạo đức cho học sinh sinh viên theo Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Đề tài đã góp phần giải quyết những vấn đề quan tâm của xã hội về lĩnh vực rèn luyện đạo đức, tác phong, lối sống của sinh viên và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các cơ sở đào tạo, bởi bên cạnh việc đào tạo chuyên môn phải đặc biệt quan tâm tới giáo dục y đức, tác phong và giao tiếp ứng xử cho học sinh sinh viên ngành y. Kết quả nghiên cứu đã được Bộ Y tế chọn để báo cáo điển hình tại Đại hội Thi đua Ngành Y tế năm 2005.
Chủ nghiệm đề tài cấp bộ: Nghiên cứu đặc điểm bệnh thoái hoá khớp gối ở một số vùng thuộc tỉnh Hải Dương. Trong quá trình thực hiện đề tài, đã hướng dẫn 01 học viên cao học bảo vệ xuất sắc luận văn chuyên ngành Nội chung tại Học viện Quân y, 01 học viên bảo vệ luận văn thạc sỹ về áp dụng điều trị vật lý trị liệu trong thoái hoá khớp gối tại Đại học Y Hà Nội và hướng dẫn 01 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công Luận án Tiến sỹ ở Đại học Y Hà Nội.
Ngoài ra, ông còn là Chủ nhiệm đề tài cấp Quân khu: Nghiên cứu tình trạng loãng xương và một số yếu tố ảnh hưởng tới loãng xương ở một số vùng nông thôn Hải Dương (1993 - 1998). Lần đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu về dịch tễ học lâm sàng bệnh loãng xương, phát hiện nguy cơ loãng xương bằng chụp Xquang thường quy và phương pháp christianssen. Các kết quả chính thu được qua nghiên cứu 3653 phụ nữ sau mãn kinh: Tỷ lệ bệnh loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh tại Hải Dương: 19%; Tốc độ mất xương trung bình hàng năm 1,96%; Những yếu tố liên quan tới tốc độ mất xương: tuổi, thời gian mãn kinh, yếu tố thể lực; Các triệu chứng lâm sàng gợi ý loãng xương: Đau cột sống, gù và gãy xương tự nhiên. Từ kết quả của đề tài được áp dụng trong công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, đặc biệt cho phụ nữ; dự báo khả năng loãng xương ở những đối tượng có nhiều yếu tố nguy cơ. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, đề tài đã đề xuất được những vấn đề mang ý nghĩa xã hội và nhân đạo trong cộng đồng, trong vấn đề chẩn đoán, điều trị dự phòng góp phần phần đảm bảo sức khoẻ cho phụ nữ.
Ông còn tham gia đề tài cấp Quân khu: Nghiên cứu một số yếu tố ảnh hưởng đến hàm lượng acid uric máu và nước tiểu ở người bình thường và bệnh nhân gút (1999 -2003): Kết quả nghiên cứu đã xác định được tỷ lệ bệnh gút ở các đối tượng nghiên cứu: nhóm bộ đội (20,6%), công nhân (1,06), chưa gặp ở nông dân. Qua nghiên cứu cũng thấy được một số yếu tố nguy cơ liên quan tới bệnh gút như tuổi, giới, thể trạng (BMI), chế độ ăn nhiều đạm và uống rượu. Trên cơ sở đó, bước đầu đề ra những biện pháp phòng chống bệnh gút. Trong quá trình nghiên cứu thực hiện, đề tài đã giúp cho 01 BSCKI bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp BSCKII tại Học viện Quân y (2003). Những kết quả của đề tài đã được trích đăng trong tạp chí Y học thực hành và báo cáo tại Hội nghị Thấp khớp học khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Đề tài được Hội đồng khoa học cấp Quân khu đề nghị nâng cấp thành đề tài cấp Bộ.
Ông Nguyễn Đức Kiên - Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam
và bà Nhót Kẹo Ma Ny Souphanou vông - Phó chánh văn phòng TW Đảng NDCM Lào trao
Giải thưởng Nhà quản lý xuất sắc thời kỳ đổi mới cho TTND.PGS.TS Vũ Đình Chính (tháng 8/2013)
Để có thông tin giúp cho các trường đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật viên y tế xây dựng quy mô, nội dung chương trình, đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu thực tế; các Sở y tế, Bệnh viện sử dụng KTV đúng chuyên ngành đào tạo; Bộ Y tế, Bộ Giáo dục & Đào tạo sẽ có chủ trương, chính sách và biện pháp thích hợp trong đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực KTV y tế, ông đã đề xuất và là Chủ nhiệm đề tài cấp Bộ: “Đánh giá thực trạng đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực kỹ thuật viên y tế tại các bệnh viện thuộc 28 tỉnh phía Bắc”(2003 - 2005): Kết quả của nghiên cứu cho thấy thực trạng đội ngũ KTV y tế tại các bệnh viện thuộc 28 tỉnh phía Bắc như: Tỷ số BS/KTV thấp(1/028 - 0,43); trong khi đó lại có một tỷ lệ khá lớn các KTV không làm đúng chuyên ngành được đào tạo (48,5% điều dưỡng làm công việc của KTV); Trình độ đội ngũ KTV chủ yếu là trung cấp (96,5%) , trình độ cử nhân và cao đẳng rất thấp (0,4 - 1,8%); Hầu hết các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện đều thiếu trang thiết bị các chuyên ngành kỹ thuật. Đề tài còn đề cập đến thực trạng công tác giảng dạy 5 chuyên ngành kỹ thuật y tế: vẫn còn 23,6% giáo viên có trình độ trung cấp; trang thiết bị của trường đào tạo KTV y tế kém hơn so với cơ sở bệnh viện (từ tuyến tỉnh trở lên). Những thông tin này giúp cho các cơ sở đào tạo tập trung bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm cho đội ngũ giảng viên; xây dựng mối quan hệ viện trường chặt chẽ để kịp thời điều chỉnh mục tiêu, nội dung, chương trình đào tạo và đầu tư trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, đáp ứng nhu cầu thực tế, phù hợp với địa phương và là cơ sở để Bộ Y tế xây dựng chương trình đề án tăng cường trang thiết bị cho bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh.
Ngoài ra, PGS.TS. Vũ Đình Chính còn có rất nhiều bài báo đã đăng trên các tạp chí Y học cùng các bài báo cáo hội thảo, hội nghị khoa học. Đây là những bài báo được đúc kết từ thực tiễn công tác điều trị và quản lý đào tạo, là những tài liệu giúp cho các học viên, các nhà quản lý đào tạo tham khảo góp phần đào tạo nguồn nhân lực y tế có chất lượng phục vụ sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ ngày càng cao của nhân dân. Ông còn viết những bài báo đăng trên báo Sức khoẻ đời sống và Báo Nhân dân về đào tạo nguồn nhân lực điều dưỡng – kỹ thuật y học. Hiện nay, PGS.TS. Vũ Đình Chính là Chủ tịch Hội đồng chuyên môn thẩm định sách giáo khoa và tài liệu dạy học chuyên ngành kỹ thuật y học và Phó Chủ tịch Hội đồng xây dựng Chương trình Điều dưỡng & Kỹ thuật Y học của Bộ Y tế. Trong quá trình tham gia các Hội đồng, ông luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia phản biện và đóng góp cho các chương trình, giáo trình phục vụ cho đào tạo đại học và sau đại học ngành y tế, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực y tế chất lượng cao ở Việt Nam.
Với chặng đường cống hiến không mệt mỏi trong công tác quản lý, nghiên cứu khoa học cùng với tấm lòng nhiệt thành luôn hướng tới nhân dân, ông đã được bình chọn là Nhà quản lý xuất sắc thời kỳ đổi mới năm 2013, đã nhiều lần các cán bộ công chức trong trường Đại học Y tế Kỹ thuật Hải Dương và cán bộ ở một số Vụ, Cục của Bộ Y tế đã rất mong muốn PGS.TS Vũ Đình Chính làm thủ tục phong tặng Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới. Thế nhưng điều đó đối với ông không quan trọng bởi được trở thành "Người anh hùng trong lòng dân", được xã hội ghi nhớ mới là điều có ý nghĩa lớn hơn cả. Và như thế, ông sẽ mãi như "một nốt trầm xao xuyến" nhập vào bản hòa ca mùa xuân đất nước, lặng thầm mà bền bỉ ghi lại dấu ấn đường đời: "Một mùa xuân nho nhỏ/ Lặng lẽ dâng cho đời/ Dù là tuổi hai mươi/ Dù là khi tóc bạc".
Số lượt đọc:
21808
-
Cập nhật lần cuối:
11/12/2013 07:38:01 AM