HMTU
Đang tải dữ liệu...
Đăng nhập |   Sơ đồ site |   English |   Hỏi đáp |   Email |   Liên hệ 
Trang chủGiới thiệuTin tứcĐào tạoKhảo thí & BĐCLGDNghiên cứu khoa học - Hợp tác quốc tếTuyển sinhSinh viênBệnh ViệnThư việnKhai báo Y tế
Đào tạo
Kết quả đào tạo
Ngành đào tạo
Chương trình đào tạo
Chuẩn đầu ra
Văn bằng chứng chỉ đã cấp
Lịch học
Danh sách giảng viên
Tin Đào tạo
Đảm bảo chất lượng đào tạo - Thương hiệu của Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương
Chất lượng đào tạo là yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển, là cơ sở cho việc xác định uy tín, “thương hiệu” của một nhà trường. Niềm tin của người sử dụng “sản phẩm” được đào tạo là động lực của người học đối với cơ sở đào tạo. Sản phẩm đào tạo của Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương là những sinh viên tốt nghiệp phục vụ cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân của ngành Y tế. Chính vì vậy, chất lượng đào tạo được đặc biệt quan tâm, trở thành một nhu cầu cấp thiết trước mắt và là định hướng cho sự phát triển tương lai. Những sản phẩm đào tạo của Trường phải đáp ứng được nhu cầu thực tế của các cơ sở y tế trong nước, hội nhập với sự phát triển nhanh chóng trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật về y tế của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Với mục tiêu phát triển đến năm 2020: “xây dựng phát triển Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương trở thành Trường đào tạo đa cấp, đa ngành và là trường trọng điểm quốc gia về đào tạo Kỹ thuật y học ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực”, nhà trường luôn quan tâm đến những yếu tố đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo như: đội ngũ cán bộ giảng viên, cán bộ quản lý, chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, đánh giá, cơ sở vật chất, hợp tác với các cơ sở sử dụng nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế ...

Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực Kỹ thuật y học đầu tiên trong cả nước và là đầu mối giúp Bộ Y tế, Bộ Giáo dục & Đào tạo xây dựng, đổi mới chương trình khung các ngành đào tạo Kỹ thuật y học trình độ trung cấp, cao đẳng và đại học. Trong quá trình xây dựng chương trình giáo dục, nhà trường đã huy động sự tham gia của các giảng viên, chuyên gia trong nước và quốc tế, đại diện những người sử dụng lao động, tham khảo các chương trình đào tạo tiên tiến nhằm mục đích xây dựng được chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu thực tế Việt Nam và hội nhập quốc tế. Trường đã cử nhiều đoàn cán bộ, giảng viên đi tham quan học tập các chương trình đào tạo Điều dưỡng, Kỹ thuật Hình ảnh, Kỹ thuật Vật lý trị liệu, Kỹ thuật Xét nghiệm tiên tiến trên thế giới và trong khu vực như: Nhật Bản, Philipine, Hà Lan, Pháp, Anh, Canada … Nhà trường đã tổ chức Hội nghị khoa học toàn quốc về đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực Điều dưỡng và Kỹ thuật Y học, Dinh dưỡng Tiết chế và An toàn vệ sinh thực phẩm có chuyên gia trong nước và nước ngoài tham dự. Trong quá trình triển khai đào tạo, sau mỗi năm học, Trường đã thực hiện các hoạt động rà soát nội dung giảng dạy của các môn học, lấy ý kiến phản hồi của sinh viên, giảng viên để làm cơ sở cho việc điều chỉnh và bổ sung chương trình đào tạo cho phù hợp hơn với nhu cầu người học và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội.

Mục tiêu đào tạo cho sinh viên sau khi ra trường không chỉ làm chủ kiến thức, kỹ năng chuyên ngành được đào tạo mà phải tạo cho sinh viên những điều kiện cần thiết để có thể học tập suốt đời, ngay từ những ngày còn học tập tại trường, phải biến quá trình đào tạo của nhà trường thành quá trình tự đào tạo của người học, lấy người học làm trung tâm, chính vì vậy nhà trường đã mạnh dạn chuyển hình thức đào tạo từ niên chế sang học chế tín chỉ để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người học. Chuyển đổi chương trình đào tạo, song với đặc điểm là đào tạo nguồn nhân lực Điều dưỡng, Kỹ thuật y học cho ngành y tế, tập trung rèn luyện kỹ năng nghề nghệp, kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho sinh viên nên nhà trường rất coi trọng khả năng gắn kết chặt chẽ giữa lý thuyết với thực hành và thực tế, giữa giảng đường với các phòng học đào tạo kỹ năng (Skillab) và với các cơ sở y tế từ tuyến trung ương đến địa phương (bệnh viện trung ương đến các trạm y tế). Để đạt được điều đó, nhà trường phải có cuộc cách mạng triệt để trong xây dựng chương trình giáo dục theo năng lực; rà soát, điều chỉnh và đưa vào chương trình những nội dung sát hợp với thực tế thay thế những nội dung không cần thiết, tăng thời lượng thực tập, thực tế cho sinh viên.

Để xây dựng một học chế mềm dẻo, đảm bảo sự liên thông trong quá trình học tập, bên cạnh việc xây dựng các chương trình đào tạo chính quy, nhà trường đã biên soạn các chương trình đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp lên trình độ đại học, liên thông từ cao đẳng lên đại học (Điều dưỡng, Kỹ thuật Xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Vật lý trị liệu); chương trình đào tạo văn bằng 2 (Kỹ thuật Xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học); chương trình đào tạo cấp chứng chỉ (Điều dưỡng Nha khoa, Điều dưỡng Gây mê hồi sức, Dinh dưỡng – tiết chế, Bổ túc Vật lý trị liệu/PHCN, Quản lý điều dưỡng, Chuyển đổi điều dưỡng…) nhằm tạo khả năng, cơ hội cho người học tìm kiếm việc làm và nâng cao trình độ chuyên môn.

Khi xây dựng chương trình đào tạo phải dựa trên chuẩn đầu ra của từng ngành đào tạo, thống nhất với chuẩn đầu ra của từng học phần và theo cấp độ khác nhau để thấy được sự tiến bộ của sinh viên trong suốt khóa học. Căn cứ vào mục tiêu đào tạo, yêu cầu thực tế của cơ sở sử dụng nguồn nhân lực, nhà trường đã xây dựng chuẩn đầu ra cho từng ngành đào tạo, giúp sinh viên biết được học gì, học như thế nào để đạt được năng lực cần thiết sau khi hoàn thành học phần hoặc khóa học; giúp đội ngũ giảng viên tập trung vào những kiến thức, kỹ năng, thái độ mà họ mong muốn người học đạt được và cung cấp thông tin cho nhà tuyển dụng về năng lực của sinh viên khi tốt nghiệp. Vì vậy đột phá trong việc xây dựng chương trình đào tạo theo năng lực, tổ chức đào tạo theo học chế tín chỉ là xu thế tất yếu để hội nhập quốc tế và nâng cao đào tạo.

Với quan điểm “Lấy người học làm trung tâm”, mỗi cán bộ giảng viên nhà trường luôn học hỏi và đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực, chuyển đổi phương pháp giảng dạy theo hướng tiếp cận và giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra. Trong nhiều năm qua, cùng với việc tăng cường công tác giám sát, kiểm tra quá trình đào tạo và thông qua việc lấy phiếu thăm dò của sinh viên về phương pháp giảng dạy của giảng viên đã giúp cho đội ngũ giảng viên của nhà trường tự hoàn thiện và đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với từng đối tượng và hoàn cảnh để người học chủ động lĩnh hội kiến thức.

Là trường đào tạo đội ngũ Điều dưỡng, Kỹ thuật y học nên rất coi trọng rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên. Ngoài việc tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tại trường, sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường với các cơ sở sử dụng nguồn nhân lực y tế trong đào tạo và nghiên cứu khoa học là một trong các yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo. Nhà trường đã xây dựng mạng lưới các cơ sở thực tập từ tuyến trung ương đến tuyến địa phương như: Tuyến Trung ương (Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai, Bệnh viện K, Bệnh viện E, Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Viện Dinh dưỡng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường, ...); Tuyến tỉnh/thành phố (Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương, Đống Đa, Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Phụ sản Hà Nội; Việt Tiệp - Hải Phòng; Quân y 7 - Hải Dương, Đa khoa tỉnh Hưng Yên, Lao và Bệnh phổi Hải Dương, Bệnh viện Điều dưỡng & Phục hồi chức năng Hải Dương, Trung tâm chỉnh hình và PHCN Kiến An - Hải Phòng, ..); Các Trung tâm Y tế dự phòng tuyến tỉnh, huyện; Các cơ sở thực tập cộng đồng (Trạm y tế xã thuộc tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng). Ngoài việc gắn kết với các cơ sở đào tạo và cơ sở y tế trong nước, nhà trường luôn quan tâm đến hợp tác quốc tế với một số trường đại học đào tạo nguồn nhân lực Điều dưỡng, Kỹ thuật y học như: Đại học Memorial Newfoundland (Canada); Trường Nijmegen (Hà Lan); Trường Queensland University of Technology – Australia; Đại học Điều dưỡng Quốc gia (Nhật Bản); Trường Voltaire – Pháp v.v.v để tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao năng lực cho giảng viên và sinh viên.

Đánh giá đúng thực chất năng lực của người học là một trong những hoạt động đào tạo giúp người học đo lường mức độ học tập và học tập đạt hiệu quả tốt hơn. Khi chuyển hình thức đào tạo từ niên chế sang học chế tín chỉ, song song với việc đổi mới phương pháp giảng dạy, phương pháp học tập, nhà trường tập trung đổi mới phương pháp đánh giá sinh viên. Phối hợp nhiều hình thức khác nhau để đánh giá kết quả học tập của sinh viên, chú trọng việc đánh giá năng lực tự học, tự nghiên cứu của sinh viên. Kết quả học tập của học sinh sinh viên được quản lý trên phần mềm đào tạo và thông báo công khai trên cổng thông tin điện tử của nhà trường, tăng cường sử dụng công nghệ thông tin đã giúp đánh giá khách quan, chính xác và kịp thời. Hướng dẫn sinh viên phát triển khả năng và thói quen tự đánh giá, đánh giá lẫn nhau; kết hợp giữa đánh giá của thầy với đánh giá của trò, có được như vậy thì mới tự điều chỉnh được cách dạy và cách học phù hợp.

Kiểm soát chặt chẽ hoạt động đào tạo từ khâu đầu vào (tuyển sinh), quá trình học tập (kết quả từng môn học, học phần) đến kết quả tốt nghiệp của từng sinh viên để đảm bảo cấp phát văn bằng, chứng chỉ đúng đối tượng đào tạo đã góp phần giữ vững thương hiệu của Trường.
“Cam kết tạo cho người học một môi trường giáo dục dân chủ, kỷ cương, minh bạch, văn hóa và có tính chuyên nghiệp cao. Đảm bảo cho người học sau khi tốt nghiệp có đủ năng lực theo chuẩn, có đạo đức nghề nghiệp, ngoại ngữ chuyên ngành và kỹ năng giao tiếp ứng xử, làm việc theo nhóm và khả năng học tập suốt đời”, Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương luôn vận động, không ngừng đổi mới, đảm bảo chất lượng đào tạo để khẳng định uy tín, thương hiệu của mình.
TS. Trần Thị Minh Tâm
Số lượt đọc:  20372  -  Cập nhật lần cuối:  12/07/2011 08:14:26 AM
Đánh giá của bạn:
Tổng số:  4     Trung bình:  2.8
Bài đã đăng: