HMTU
Đang tải dữ liệu...
Đăng nhập |   Sơ đồ site |   English |   Hỏi đáp |   Email |   Liên hệ 
Trang chủGiới thiệuTin tứcĐào tạoKhảo thí & BĐCLGDNghiên cứu khoa học - Hợp tác quốc tếTuyển sinhSinh viênBệnh ViệnThư việnKhai báo Y tế
Đối tác quốc tế
Tin nhà trường
Trang chủ  >  Tổng quan  >  Tin nhà trường
Coi trọng giáo dục Y đức cho học sinh, sinh viên ngành Y
TRONG XÃ HỘI, KHÔNG CÓ MỘT NGHỀ NÀO ĐẶC BIỆT NHƯ NGHỀ Y, MÀ MỖI MỘT LỖI LẦM HAY MỘT THIẾU SÓT DÙ NHỎ NHẤT LẠI CÓ THỂ GÂY NÊN NHỮNG TÁC HẠI LỚN NHẤT ĐẾN SỨC KHOẺ VÀ TÍNH MẠNG CỦA CON NGƯỜI. TỪ LÂU, NGƯỜI TA ĐÃ COI NGHỀ Y LÀ MỘT NGHỀ QUAN TRỌNG, MỘT NGHỀ NHÂN ĐẠO, DO VẬY NGOÀI ĐÀO TẠO, RÈN LUYỆN VỀ CHUYÊN MÔN TAY NGHỀ, CẦN COI TRỌNG GIÁO DỤC, RÈN LUYỆN ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP CHO CÁN BỘ Y TẾ.

Từ xa xưa, các bậc danh y như Hypôcrat, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Tuệ Tĩnh Thiền Sư… đã thường xuyên quan tâm tới đạo đức người thầy thuốc, coi y đức quan trọng không kém gì y thuật. Kế thừa truyền thống của ông cha, tiếp thu tinh hoa nhân loại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc trau dồi và rèn luyện y đức cho đội ngũ thầy thuốc. Hơn nửa thế kỷ qua, chúng ta đã rất tự hào về ngành Y tế đã khắc phục mọi khó khăn, không ngừng phấn đấu, thu được những thành tựu to lớn, làm biến đổi một cách sâu sắc từ nhận thức tư tưởng cho đến tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động; từ chuyên môn, khoa học kỹ thuật cho đến nâng cao y đức... tạo niềm tin cho nhân dân. Các thế hệ thầy thuốc hôm nay đang nối tiếp truyền thống tự hào của các thế hệ đi trước, không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn; phấn đấu, rèn luyện tu dưỡng đạo đức đúng như niềm vinh dự tự hào mà xã hội đã tôn vinh “Thầy thuốc như mẹ hiền”. Đó là thắng lợi của những thầy thuốc Việt Nam trên mặt trận phòng chống dịch, khám chữa bệnh giúp cho người dân các vùng miền được hưởng thụ dịch vụ y tế chất lượng cao; nhất là công tác đào tạo nguồn nhân lực y tế đã có những tiến bộ quan trọng, là nhân tố quyết định đến sự thành công và phát triển của ngành y tế.

Tuy vậy, chúng ta không thể không trăn trở, không đau lòng trước một số ít thầy thuốc có thái độ thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước nỗi đau, sự khốn khó của người bệnh, những người làm cho đồng tiền xen vào giữa mối quan hệ thầy thuốc và người bệnh. Hiện tượng "phong bì lót tay", coi trọng quá mức đồng tiền là một tồn tại nhức nhối, làm biến dạng hình ảnh tốt đẹp của người thầy thuốc chân chính. Đâu đó vẫn còn những thầy thuốc vòi vĩnh, những nhiễu người bệnh, lạm dung việc kê đơn thuốc, xét nghiệm trong chẩn đoán gây khó khăn, lãng phí tiền bạc của người bệnh. Bên cạnh đó, một số ít thầy thuốc còn lợi dụng nghề nghiệp, sự tin yêu của bệnh nhân với thầy thuốc mà biểu hiện tình cảm, quan hệ không lành mạnh với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân…Vấn đề này không chỉ xảy ra ở một số thày thuốc mà đáng báo động hơn là còn xảy ra ngay cả với một số rất ít HSSV trong khi đi thực tập, thực tế. Những lỗi cán bộ y tế vi phạm, cũng là những lỗi mà một số HSSV mắc phải. Đây là những nguy cơ không thể xem thường, mặc dầu chỉ là những "con sâu làm rầu nồi canh", nhưng đã phần nào làm vẩn đục sự thanh cao của nghề y, gây sự bức xúc trong xã hội.

Nguyên nhân của các hiện tượng nêu trên một phần là do những tác động tiêu cực của mặt trái cơ chế thị trường; do cơ chế, chính sách, tiền lương đối với cán bộ y tế còn nhiều khó khăn, bất cập, các cơ sở y tế vẫn trong tình trạng làm việc quá tải; sự tự rèn luyện về tay nghề, y đức của một số cán bộ y tế chưa tốt; chưa xây dựng được chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cho từng chuyên ngành; và đặc biệt chưa coi trọng giáo dục y đức, thái độ giao tiếp ứng xử cho HSSV ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Để học tập và làm theo lời Bác dạy “Thầy thuốc như mẹ hiền” một cách thiết thực và hiệu quả, cần coi trọng giáo dục y đức và thực hành quy tắc ứng xử cho HSSV.

Trong nghề y cần phải thật thà, trung thực hơn, không được lừa dối đồng nghiệp, người bệnh, bên cạnh đó, phải thật sự đoàn kết, đoàn kết là sức mạnh để chúng ta vượt qua khó khăn, thử thách hoàn thành mọi nhiệm vụ. Phải đoàn kết chặt chẽ giữa thày và thày, giữa thày và trò, giữa học trò với nhau, giữa cán bộ các cấp; giữa nhà trường với các cơ sở y tế, đặc biệt là giữ vững mối quan hệ viện - trường, góp phần đào tạo được nhiều nguồn nhân lực y tế có chất lượng cao, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào công tác điều trị.

Tâm – đức người thầy thuốc phải thương yêu người bệnh như anh em ruột thịt của mình, sẵn sàng chịu đựng mọi hy sinh gian khổ, “hết lòng hết sức” cứu chữa, phục vụ bệnh nhân. Người thầy thuốc ngoài cái tâm, tình thương yêu của người mẹ, đòi hỏi phải có trí tuệ, chuyên môn tay nghề giỏi, muốn cho y đức được thực hiện đầy đủ thì phải không ngừng trau dồi y lý, y thuật và làm giàu trí tuệ của mình. Do vậy từ thầy thuốc lâu năm tới HSSV - những thầy thuốc tương lai càng phải học, học suốt đời, học ở sách, học trên mạng, học ở bệnh nhân, học đồng nghiệp, học chuyên môn, học cách giao tiếp ứng xử, học cách phục vụ nhân dân, bệnh nhân vô điều kiện.

Các cơ sở đào tạo đổi mới và coi trọng giáo dục y đức, thực hành quy tắc ứng xử cho HSSV, coi đây là nhân tố hàng đầu quyết định sự thành công hay thất bại trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế. Dù y lý, y thuật có thay đổi theo thời gian, nhưng y đức không bao giờ thay đổi, đặc biệt là khi chúng ta thực hiện việc khám chữa bệnh trong cơ chế thị trường, ngành y tế cần xây dựng những chuẩn mực đạo đức cho người làm công tác y tế thiết thực, phù hợp với từng đối tượng thầy thuốc, điều dưỡng, kỹ thuật viên y tế, xây dựng cơ chế, chế tài để đội ngũ thầy thuốc thực hiện tốt nhất về y đức và quy tắc ứng xử, các trường y cần có giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục y đức, như củng cố & thành lập bộ môn Giáo dục Y đức, biên soạn chương trình, giáo trình thống nhất; giáo dục đi đôi với thực hành y đức, đặc biệt các giảng viên là thầy thuốc phải nêu gương cho HSSV noi theo ngay khi học ở trường và khi đi bệnh viện, có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với các cơ sở y tế nơi HSSV thực tập để tạo điều kiện và môi trường giáo dục y đức cho HSSV

Nếu coi trọng giáo dục, rèn luyện y đức, thực hành quy tắc ứng xử cho cán bộ y tế và đặc biệt là HSSV ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chắc chắn sẽ góp phần làm hài lòng người bệnh, đảm bảo tốt hơn công tác an sinh xã hội và hình ảnh “Thầy thuốc như mẹ hiền” sẽ không bao giờ bị phai nhạt trong lòng người dân và xã hội

PGS.TS.TTND. VŨ ĐÌNH CHÍNH

Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương

Số lượt đọc:  20531  -  Cập nhật lần cuối:  25/02/2011 11:15:13 AM
Đánh giá của bạn về bài viết:
Tổng số:  0     Trung bình:  0
Bài mới:
Bài đã đăng:
THƯ NGỎ CỦA HIỆU TRƯỞNG

Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương có sứ mệnh đào tạo Kỹ thuật Y học và Điều dưỡng ở trình độ đại học (Xem tiếp...)

Video và hình ảnh
Giới thiệu trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương